Japan International Cooperation Agency
Share
  • 日本語
  • English
  • Français
  • Espanol
  • Home
  • About JICA
  • News & Features
  • Countries & Regions
  • Our Work
  • Publications
  • Investor Relations

Project News

2017-12-27

Xây dựng thành công Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh cho bốn tỉnh khu vực Tây Bắc, hướng tới quản lý rừng bền vững

Nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thúc đẩy quản lý rừng bền vững trên cả nước, Việt Nam mới đây đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về REDD+ (NRAP), nêu rõ trách nhiệm các tỉnh có rừng phải xây dựng Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (PRAP) để thực hiện REDD+[1]. Trên cơ sở đó, Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững đã hỗ trợ bốn tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc bao gồm Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên[2]và Lai Châu xây dựng Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh.

Dù được gọi chung là "các tỉnh Tây Bắc", bối cảnh phát triển lâm nghiệp tại mỗi tỉnh có những điểm khác biệt. Tại tỉnh Hòa Bình, ngành chế biến gỗ tăng trưởng ổn định nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ xẻ và dăm gỗ của các nhà máy chế biến và thị trường tại tỉnh và các địa phương lân cận. Trong khi đó, do canh tác nông nghiệp phát triển nhanh những năm gần đây, người dân tại tỉnh Sơn La không có nhiều động lực phát triển nghề rừng. Tại tỉnh Điện Biên, do tác động của hoạt động canh tác nương rẫy, tỷ lệ phục hồi rừng những năm qua luôn thấp hơn mục tiêu của tỉnh. Lai Châu là tỉnh có nguồn tài nguyên rừng lớn nhất trong số bốn tỉnh. Tuy nhiên, phát triển hệ thống giao thông và thủy điện khiến nhiều diện tích rừng bị mất trong thời gian qua. Với những vấn đề cả trong và ngoài ngành lâm nghiệp, quá trình xây dựng PRAP đã sử dụng phương pháp tiếp cận đa ngành để thúc đẩy quản lý rừng bền vững tại các tỉnh mục tiêu.

Để tiến hành xây dựng Kế hoạch hành động REDD+, mỗi tỉnh cần phải thành lập một tổ chuyên trách. Sau khi hội thảo khởi động được tổ chức vào tháng 10/2016 tại Hà Nội, các tổ chuyên trách đã thống nhất một lộ trình chung xây dựng PRAP, gồm các hoạt động chính như: rà soát các kế hoạch phát triển và các chính sách quản lý bảo vệ rừng của tỉnh, phân tích các yếu tố dẫn đến mất rừng hoặc phục hồi rừng thông qua việc kết hợp sử dụng ảnh viễn thám và khảo sát/ tham vấn thực địa, xác định các gói giải pháp, lập kế hoạch vốn và xây dựng phương án tổ chức thực hiện. Bên cạnh mục tiêu cải thiện môi trường rừng và nâng cao cuộc sống người dân, các tỉnh cũng cần dự đoán tác động tiêu cực từ việc thực hiện PRAP và xây dựng cơ chế giảm thiểu những rủi ro này. Quy trình xây dựng PRAP đã giúp các tỉnh xem xét lại những chính sách quản lý bảo vệ rừng để có những điều chỉnh phù hợp.

Để xây dựng một Kế hoạch hành động REDD+ khả thi, quá trình xây dựng cần tổng hợp ý kiến của tất cả các bên liên quan. Do đó, mỗi tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp tham vấn với các bên liên quan cấp tỉnh, huyện, xã và thôn/bản. Dựa trên các ý kiến tham vấn, dự thảo Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh đã được hoàn thành vào tháng 5/2017. Sau đó, dự thảo được trình lên cấp trung ương lấy ý kiến trước khi mỗi tỉnh tiến hành thẩm định và phê duyệt chính thức vào tháng 9/2017.

Sau khi xây dựng thành công Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh, hội thảo công bố kế hoạch đã được tổ chức tại tỉnh Sơn La vào tháng 11/2017. Tại hội thảo, đại biểu từ bốn tỉnh dự án, Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp và Văn phòng dự án đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh và những nội dung chính trong Kế hoạch của mỗi tỉnh. Sau cuộc hội thảo, các tỉnh còn lại đã tổ chức hội thảo tại tỉnh mình nhằm thảo luận phương hướng thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh. Trong bối cảnh REDD+ đang được thực hiện rộng rãi hơn trên cả nước, Dự án hy vọng rằng bốn tỉnh khu vực Tây Bắc sẽ tận dụng cơ hội này để thúc đẩy quản lý rừng bền vững vì sự phát triển trong tương lai.

PhotoThảo luận về diễn biến rừng ở tỉnh Lai Châu sử dụng bản đồ biến động hiện trạng rừng được lập từ phân tích hình ảnh vệ tinh.
(Hội thảo khởi động tại Hà Nội)

PhotoThảo luận với cộng đồng địa phương – những nhân tố chính trong việc thực hiện Kế hoạch hành động REDD+.
(Xã Mường Giôn, tỉnh Sơn La)


PhotoSau khi tổ chức một số cuộc tham vấn, Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh đã được phê duyệt.
(Hội thảo tham vấn Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh lần cuối được tổ chức tại tỉnh Lai Châu)


Notes

  • [1] Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, tầm quan trọng của việc bảo tồn, quản lý rừng bền vững và nâng cao trữ lượng cacbon rừng ở các quốc gia đang phát triển.
  • [2] Tại Điện Biên, với sự hỗ trợ của "Dự án thí điểm REDD+ tại tỉnh Điện Biên" do JICA tài trợ (tháng 3/2012 – 9/2013), tỉnh đã xây dựng thành công Kế hoạch hành động REDD+ vào tháng 5/2014. Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (JICA/SNRM) hỗ trợ tỉnh rà soát và cập nhật lại kế hoạch theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

PAGE TOP

Copyright © Japan International Cooperation Agency